Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy của thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tội phạm ma túy và hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm về, qua địa bàn Hà Nội và đi các địa phương khác để tiêu thụ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để xóa những “điểm nóng”, ngăn chặn ma túy len lỏi vào đời sống xã hội.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 45 ngày 20/02/2019 về phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố năm 2019. Trong đó, UBND thành phố đề ra một số chỉ tiêu cơ bản như:
- Điều tra, khám phá, xử lý hình sự 2.200 vụ án tội phạm về ma túy, trong đó 1.320 vụ có tính chất mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy; triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy còn tồn tại đến cuối năm 2018; giữ ổn định các địa bàn, điểm phức tạp về ma túy đã giải quyết dứt điểm; rà soát, kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh triệt xóa.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, thuốc tân dược, thuốc thú y có chứa tiền chất ma túy; không để xảy ra vụ việc sản xuất trái phép ma túy hoặc trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn thành phố.
- Triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn”; duy trì, giữ 07 xã trong năm 2018 đạt “Không có tệ nạn ma túy”; phấn đấu xây dựng mới 04 xã đạt “không có tệ nạn ma túy”.
Ngày 23/04/2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 101 về việc Triển khai thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, theo đó, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về ma túy, quản lý địa bàn, không để hình thành điểm nóng về ma túy ở cơ sở.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ: Thực hiện công tác điều tra cơ bản, quản lý hành chính về nhân khẩu, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, thường xuyên rà soát địa bàn, tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà hàng, quán bar, karaoke… nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng để hoạt động mua bán, sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy… Củng cố, duy trì, nâng cao hiệu quả thu thập thông tin liên quan tệ nạn ma túy; mở rộng và nâng cao chất lượng của các mô hình hoạt động có hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy ở khu dân cư và các mô hình Câu lạc bộ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Tăng cường đấu tranh mạnh với tội phạm về ma túy: Tập trung mọi lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, bắt giữ, xử lý triệt để số đối tượng hoạt động ổ nhóm, đường dây ma túy lớn sử dụng phương thức, thủ đoạn phức tạp trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; quản lý, kiểm tra, giám sát ngăn chặn hiệu quả việc thất thoát, thẩm lậu tiền chất, hóa chất, dược liệu vào việc sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn thành phố. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các hoạt động mua bán liên quan đến các loại thuốc, thuốc thú y có chứa hoạt chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất ma túy được phép nhập khẩu, sản xuất lưu hành tại Việt Nam, phòng ngừa hành vi chiết xuất, sản xuất trái phép chất ma túy.
- Tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân biết và hiểu rõ những hành vi mà Luật phòng, chống ma túy nghiêm cấm:
- Trồng cây có chứa chất ma túy;
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
- Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy;
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy;
- Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có;
- Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy;
- Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy;
- Các hành vi trái phép khác về ma túy.
*****
Cũng trong thời gian qua, tình trạng sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”… đang có dấu hiệu gia tăng, còn tồn tại các cơ sở kinh doanh, đối tượng buôn bán trái phép các loại chất này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, mà chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên.
“Bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”… là các chất kích thích đều có chứa thành phần tiền chất ma túy hoặc trong lúc sử dụng có pha chế thêm thành phần ma túy. Trong “cỏ Mỹ” có sẵn tinh dầu thuộc nhóm chất gây nghiện và độ kịch độc tương tự ma túy. “Tem giấy” là công cụ để các đối tượng tẩm ướp thành phần ma túy để né tránh sự phát hiện của cơ quan công an cũng như dễ dụ lứa tuổi thanh thiếu niên sử dụng và gây nghiện. Còn “bóng cười” có chứa khí N2O (khí gây cười) - loại khí độc có thể dẫn đến tử vong, chết não do sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc sử dụng một lần nhưng quá liều lượng dẫn đến không kiểm soát được hệ thần kinh. Khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.
Nhiều năm gần đây, tại nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng sử dụng “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy” tràn lan. Thực tế đã có những trường hợp sử dụng các chất này cùng với các chất kích thích khác như ma túy, thuốc lá, rượu… gây ảo giác, mất kiểm soát năng lực, hành vi, gây nguy hiểm cho xã hội và cá nhân người sử dụng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngày 26/04/2019, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn số 1650 về việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, kinh doanh “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”. Theo đó, UBND thành phố nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện kế hoạch số 110 ngày 26/05/2017 về tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”. Cụ thể:
- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhận biết tính chất nguy hại của các chất gây nghiện để đồng tình, ủng hộ lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”; không tham gia tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, tổ chức sử dụng, sử dụng các chất này, đồng thời phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng các cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Tuyên truyền rộng rãi với nhiều hình thức, loại hình phong phú để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên về hậu quả, tác hại khi sử dụng các chất gây nghiện như “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến các chất gây nghiện trên.
- Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy” trên địa bàn thành phố, nhằm lập lại kỷ cương trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân.
- Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, công khai, nghiêm minh các vụ án nhập lậu, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy” trên địa bàn thành phố.
Viết bình luận