Hà Nội: Cắt giảm, tiết kiệm thêm chi thường xuyên năm 2021

Ngày 23/6, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1968/UBND-KT về cắt giảm, tiết kiệm thêm chi thường xuyên năm 2021 và điều hành ngân sách các tháng cuối năm.

Theo đó, đối tượng thực hiện cắt giảm, tiết kiệm thêm kinh phí chi thường xuyên: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021 hoặc sử dụng số thu phí được để lại, thu nghiệp vụ được để lại theo quy định để chi hoạt động thường xuyên. Cụ thể, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các sở, ngành: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Sở Y tế) tính đến ngày 15/6/2021. Thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại (kể cả chi các hoạt động kinh tế và sự nghiệp bảo vệ môi trường) của năm 2021.
 
Căn cứ hướng dẫn xác định số cắt giảm và số tiết kiệm thêm nêu trên, các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị (dự toán cấp I) đề xuất về các khoản kinh phí cắt giảm theo lĩnh vực chi (kể cả các cơ quan, đơn vị hành chính đã được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; các cơ quan, đơn vị chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại, nguồn thu nghiệp vụ được để lại) gửi Sở Tài chính trước ngày 25/6/2021 để rà soát, tổng hợp trình UBND thành phố, báo cáo Thường trực HĐND thành phố xem xét, quyết định.
 
UBND các quận, huyện, thị xã quyết định số kinh phí thực hiện cắt giảm và tiết kiệm thêm cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chi tiết theo từng lĩnh vực chi và gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo phương án cắt giảm và tiết kiệm thêm đã được duyệt; báo cáo UBND thành phố, Sở Tài chính về kinh phí cắt giảm và số tiết kiệm thêm trước ngày 30/6/2021.
 
Căn cứ quyết định cắt giảm, tiết kiệm của UBND thành phố, giám đốc các sở, ngành thành phố quyết định điều chỉnh dự toán giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chi tiết theo từng lĩnh vực chi, nhiệm vụ chi (kể cả các cơ quan, đơn vị đã được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và các cơ quan, đơn vị chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại, nguồn thu nghiệp vụ được để lại để đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng được giao; gửi Sở Tài chính để theo dõi và gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo phương án cắt giảm và tiết kiệm thêm đã được duyệt.
 
Căn cứ Quyết định cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên được giao, các đơn vị sử dụng ngân sách có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước giao dịch để thực hiện. Kho bạc Nhà nước thực hiện giữ lại tại ngân sách các cấp đối với số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm thêm được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các cơ quan, đơn vị chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước. Hết thời gian chỉnh lý quyết toán Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hạch toán hủy dự toán đã hạch toán cắt giảm và tiết kiệm thêm tại đơn vị sử dụng ngân sách.
 
Đối với các cơ quan, đơn vị chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại, thu nghiệp vụ được để lại: Căn cứ Quyết định cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên của cơ quan chủ quản, các cơ quan, đơn vị thực hiện nộp kinh phí cắt giảm vào ngân sách nhà nước chia làm 2 đợt trước ngày 30/9/2021 và trước ngày 31/12/2021, số kinh phí cắt giảm nộp vào thu ngân sách nhà nước.
 
Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đã được giao đầu năm trong điều kiện thực hiện cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán, giám đốc các sở, ngành thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại nhiệm vụ chi thường xuyên đã được giao đầu năm; tăng cường quản lý, chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả, trên cơ sở đó, đảm bảo nguồn thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và an sinh xã hội. Chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; hạn chế chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác.
 
Về điều hành, cân đối ngân sách, UBND thành phố giao Sở Tài chính, phòng tài chính - kế hoạch các quận, huyện, thị xã tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.

Nguồn: 

Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức