Hành động chống rác thải nhựa, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường gắn kết với Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững

Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên thế giới, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Lượng rác thải nhựa do con người thải ra mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương, riêng Việt Nam đã chiếm khoảng 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới (tương đương 0,28-0,73 triệu tấn mỗi năm).

Một báo cáo mới đây tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới - tổ chức ở Thụy sĩ cho biết, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.

Ở Việt Nam, theo thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải đó ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm, trong khi số lượng rác thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển, hoạt động tái chế được tổ chức ở quy mô nhỏ, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.

Trước mối đe dọa từ chất thải nhựa và túi nilon như vậy, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, gắn kết hành động chống rác thải nhựa, sử dụng có hiệu quả tài nguyên với chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững là ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam theo hướng bền vững; vận động người dân thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững, thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong sinh hoạt, sản xuất và thương mại, dịch vụ.

*****

Hưởng ứng hành động chống rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường gắn kết với chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, phường Hà Cầu kêu gọi người dân chung tay thực hiện các hoạt động cụ thể, như:

- Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, từ giảm thiểu đến hoàn toàn không sử dụng túi nilon.

- Thay vào đó, sử dụng các sản phẩm tự hủy sinh học, thân thiện với môi trường.

- Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mô hình “các điểm kinh doanh xanh”, kết nối lĩnh vực phân phối - dịch vụ bền vững, thân thiện với môi trường.

- Ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến tái sử dụng, tái chế rác thải và rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy.

- Ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong xử lý, tái chế chất thải nhựa và phát triển các sản phẩm, vật liệu thay thế.

- Tích cực tham gia hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.

Thực hiện: 

Ban VHTT phường Hà Cầu

Viết bình luận

Xem thêm tin tức