Mua bán người là một vấn đề phát triển xã hội và tội phạm, là hành vi xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.
Trong những năm gần đây, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực diễn biến ngày càng phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại Việt Nam, phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn khó lường, như những lời hứa hẹn về việc làm, xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân, du lịch ảo, cho và nhận con nuôi, bị bắt cóc... Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của những kẻ mua bán người. Thời gian gần đây, ngoài những trường hợp mua bán phụ nữ và trẻ em, đã xuất hiện cả những vụ mua bán nam giới, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...
Trước những thủ đoạn nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Trung ương Đảng và Chính phủ đã xây dựng, ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách pháp luật thực hiện công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp đối với loại tội phạm này, như: Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/11/2010 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”… đặc biệt là Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012; Chương trình phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016 - 2020.
Ngày 10/05/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/07 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ với người quen biết qua các trang mạng xã hội.
Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại, internet của các cháu; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, nắm được các mối quan hệ bạn bè của các cháu để có sự giáo dục, quản lý, phòng tránh bị các đối tượng mua bán người lợi dụng, lừa gạt.
Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành bạn đều được hưởng quyền công dân, quyền con người. Do vậy, trong trường hợp chẳng may trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người trong nước hoặc nước ngoài, thì trước hết các nạn nhân phải tìm cách để tự cứu mình. Đó là ghi nhớ các đặc điểm về nơi mình bị tạm giữ, sau đó tìm mọi cách thông tin về cho gia đình hoặc cơ quan công an. Trong trường hợp nếu bị chính người thân trong gia đình gả bán, nạn nhân hãy liên lạc với công an, chính quyền, hội phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội khác để được giúp đỡ.
Đối với những nạn nhân bị mua bán được giải cứu trở về hoặc tự trở về cần trình báo, hợp tác với cơ quan công an để cung cấp những thông tin có liên quan đến các đối tượng phạm tội giúp cho cơ quan công an có thêm thông tin về các đối tượng mua bán người để kịp thời ngăn chặn, giải cứu các nạn nhân khác giúp họ trở về đoàn tụ với gia đình.
Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân phường Hà Cầu hãy cùng chung tay góp sức với chính quyền địa phương đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội.
Viết bình luận