Chúng ta đều biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Điều đó xuất phát từ việc thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người.
Qua phân tích cho thấy, có hơn 4.000 loại hóa chất trong khói thuốc lá, trong đó có 69 chất độc hại, có nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hoại tử các đầu chi, mù mắt, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm sức khỏe sinh sản, giảm tuổi thọ và đặc biệt là các loại bệnh ung thư hầu họng, thanh quản, phế quản và phổi.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh và tử vong của rất nhiều bệnh. Cứ hút mỗi điếu thuốc là tự mình làm mất đi 5,5 giây cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm. Hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%. Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh sau:
* Bệnh tim mạch chiếm hàng đầu trong các bệnh do khói thuốc: tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ, giảm trí thông minh và khả năng học tập...
* Bệnh ung thư: Chủ yếu là ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột... Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.
* Bệnh hô hấp: Bệnh phổi mãn tính, tắc nghẽn thông khí, viêm phế quản mãn tính. Đặc biệt ở người hút thuốc còn gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới môi trường, những người xung quanh hít phải cũng bị nhiễm độc, nguy hiểm nhất là đối với trẻ nhỏ.
* Bệnh răng và lợi: Viêm loét, cao răng, các mảng bám vào răng làm cho răng dễ bị lung mủ, dễ rụng tự nhiên hơn.
* Các bệnh khác: Tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính.
* Đối với trẻ em: Nếu phải thường xuyên hít khói thuốc lá trong môi trường sống, trẻ có thể phải đối mặt với những rắc rối sau:
- Mắc các bệnh về đường hô hấp: Trẻ em hít khói thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh ở cả đường hô hấp trên và dưới. Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng mắc bệnh hen suyễn nếu sống chung với những hút thuốc lá.
- Giảm trí thông minh: “Hút thuốc bị động” dài ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực ở trẻ.
- Khóc quấy: Theo kết quả của một cuộc điều tra ở những bố mẹ của 253 trẻ nhỏ cho thấy bố mẹ hút khoảng 10 điếu thuốc lá mỗi ngày thì hiện tượng trẻ khóc quấy trong đêm chiếm đến 45%.
- Dễ mắc viêm màng não và viêm não mô cầu: Ngoài việc gây ra những biến chứng phức tạp ở phổi, hút thuốc lá thụ động còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và làm tăng mức độ nhạy cảm với các bệnh viêm nhiễm ở não. Trẻ sống chung với người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não hơn. Đây là loại vi khuẩn gây hại cho màng não (những tế bào bao phủ xung quanh não).
- Đột tử: Khói thuốc lá có thể dẫn đến các chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như hen cấp tính, phổi, bệnh tai giữa, trẻ sinh ra cân nặng thấp v.v…
- Kén ăn: Nếu bố mẹ hút thuốc trong khi trẻ đang ăn có thể khiến trẻ sinh ra tình trạng tức ngực khó chịu. Khi trẻ liên kết cảm giác tức ngực này với một số thức ăn mình đang dùng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, dẫn đến trẻ sẽ cự tuyệt một vài loại thức ăn nhất định nào đó.
- Sâu răng: Tiếp xúc thụ động với khói thuốc là làm tăng khả năng bị sâu răng ở trẻ em. Kết quả nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ vẫn còn răng sữa nếu sống chung với người hút thuốc lá sẽ dễ bị sâu răng hơn so với những đứa trẻ không hút thuốc lá thụ động.
- Bệnh hành vi: Vì não của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên việc hít khói thuốc lá thụ động về lâu dài có thể gây ra những ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Trong phần lớn các trường hợp, hút thuốc lá thụ động khiến trẻ gặp hạn chế về khả năng học hỏi, các rắc rối về hành vi, chứng hiếu động thái quá và bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ trở thành người nghiện thuốc lá khi trưởng thành cũng sẽ cao hơn.
- Ảnh hưởng chiều cao: Kết quả cho thấy, những đứa trẻ sống trong gia đình mà bố mẹ hút khoảng 10 điếu thuốc lá trở lên mỗi ngày sẽ thấp hơn những đứa trẻ khác bình quân đến 0.65 cm, con số này là 0.45 cm nếu bố mẹ hút dưới 10 điếu thuốc mỗi ngày.
- Tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ cao gấp 1,6 – 8 lần so với người lớn: Do chức năng giải độc ở cơ thể trẻ thấp hơn rất nhiều so với người trưởng thành cho nên càng dễ nhiễm độc từ khói thuốc lá.
Trước sự tàn phá quá lớn của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường, xã hội và kinh tế của các quốc gia, nên năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Công ước khung kiểm soát thuốc lá, lần lượt các nước trên thế giới cũng đưa ra những quy định nhằm hạn chế dần người hút thuốc lá trong cộng đồng. Việt Nam tham gia công ước khung kiểm soát thuốc lá vào năm 2004 và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc Hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/8/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013.
Nội dung chính gồm các quy định cơ bản về giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ để giảm nguồn cung cũng như điều kiện để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, công dân có quyền và nghĩa vụ như: Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
Luật nghiêm cấm chín nhóm hành vi dưới đây:
1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
Luật quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ các cơ sở quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 11; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm có: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 11 và Khoản 1 Điều 12 của Luật này. Các phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn là ô-tô, tàu bay, tàu điện.
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu.
Không được sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người.
Sau ba năm kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong một bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu, trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu. Quy định này nhằm giảm khả năng tiếp cận thấp nhất của trẻ em với thuốc lá.
Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ.
Người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.
Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng hình thành. Đây là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế và được liên ngành quản lý. Quỹ hình thành chủ yếu từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1% từ ngày 1-5-2013; 1,5% từ ngày 1-5-2016; 2% từ ngày 1-5-2019.
Trước những tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá tới sức khỏe và đời sống con người, đề nghị mỗi người dân hãy tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè và mọi người xung quanh không hút thuốc lá. Vì sức khoẻ cộng đồng và vì tương lai con em chúng ta: Hãy nói không với thuốc lá.
Viết bình luận