Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong thời gian dịch Covid-19

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc SXH, số ca mắc đã giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến SXH.

Đặc điểm đặc trưng của bệnh SXH là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương dẫn tới sốc do cô đặc máu, tụt huyết áp bởi giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 - 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày, sau đó xuất hiện đột ngột sốt cao (kéo dài từ 2 -7 ngày), người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hố mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân),  có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Sốt sẽ giảm vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 và kèm theo có xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi hoặc cả 2).

Trường hợp nặng  có thể xuất huyết nội tạng (chảy máu tiêu hóa, thận), kinh nguyệt kéo dài, rong kinh (phụ nữ) và có thể bị sốc. Xuất huyết ở da dạng ban, dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. SXH thể nhẹ, trung bình không bị sốc hoặc bị sốc nhưng được điều trị thoát sốc tốt, bệnh nhân nhanh chóng  hồi phục. Tuy vậy, có một số trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến một số biến chứng.

Biến chứng có thể gặp ở bệnh SXH, ngoài sốc, có thể làm cho lách to, gan to và đau, đây là biểu hiện xấu. Ngoài ra, có thể biến chứng tràn dịch màng phổi, giảm protein máu hoặc dấu hiệu màng não.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây nên, UBND phường Hà Cầu đề nghị người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:

- Thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt bằng cách: Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Thực hiện: 

Bùi Thị Nga

Viết bình luận

Xem thêm tin tức