Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá - Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/05) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/05)

"HÃY BỎ THUỐC LÁ NGAY HÔM NAY VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU"

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi, và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do sử dụng thuốc lá.

Tại Việt Nam, theo số liệu của bệnh viện Ung bướu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân chính là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Hút thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Khói thuốc lá chứa tới hơn 4000 chất hóa học, phần lớn là chất độc hại, trong đó 43 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Một liều nicotin khoảng 50-75 mg (tương ứng lượng nicotin có trong 20-25 điếu thuốc) đủ gây tử vong cho người. Ngoài ra, trong thuốc lá còn có chất cocain dễ gây nghiện, khi hút có thể kích thích sự hưng phấn cho người hút nhưng lại gây tác hại rất lớn. Cocain làm thành màng đen bao lấy phổi, hút càng nhiều thì diện tích màng đen càng lớn gây bệnh cho người hút, thậm chí còn ảnh hưởng tới những người hít phải khói thuốc. Khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, ung thư, hô hấp, bệnh răng lợi và tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu oxi.

Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người, việc sản xuất và sử dụng thuốc lá, đặc biệt là hành vi ném tàn thuốc lá và đầu lọc thuốc lá bừa bãi, không đúng chỗ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đất, nguồn nước và không khí.

Nhận thức được những mối nguy hại từ thuốc lá như vậy, năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật này quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo Điều 9, chương I Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nghiêm cấm các hành vi:

1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Điều 11, chương II của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn:

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

a)     Cơ sở y tế

b)     Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này

c)     Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em

d)     Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a)     Nơi làm việc

b)     Trường cao đẳng, đại học, học viện

c)     Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Điều 12, chương II của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:

a)     Khu vực cách ly của sân bay

b)     Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch

c)     Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa

2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a)     Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá

b)     Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát

c)     Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy

3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

4. Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ.

Điều 13, chương II của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định nghĩa vụ của người hút thuốc lá:

1. Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá

2. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi

3. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá

Cũng theo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, công dân có quyền và nghĩa vụ:

1. Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá

Việc phòng, chống tác hại của thuốc lá đòi hỏi sự quan tâm và chung tay thực hiện của mỗi công dân, cộng đồng và các tổ chức xã hội, rộng lớn hơn là sự hợp tác quốc tế dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, phù hợp với pháp luật của mỗi nước, phát luật và thông lệ quốc tế.

Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy ngày 31/05 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Năm nay, Ngày Thế giới không thuốc lá sẽ diễn ra với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá tới sức khỏe con người, đặc biệt là gây nên các bệnh về phổi. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia hãy có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi có liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/05 đến ngày 31/05. Cũng trong ngày 26/05 vừa qua, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã tổ chức Lễ Mít tinh Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, kêu gọi người dân bỏ thuốc lá vì sức khỏe của mình, của gia đình và cả cộng đồng; ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của các bệnh tật do hút thuốc gây ra.

Các tình nguyện viên tham gia buổi Lễ Mít tinh Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/05) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/05) tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào sáng ngày 26/05 (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/05), Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/05) và chỉ đạo của UBND Thành phố theo kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 06/05/2019, UBND phường Hà Cầu triển khai thực hiện xây dựng và duy trì mô hình “môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện; tổ chức các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn phường; giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc lá; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá.

Thực hiện: 

Nguyễn Thái Hà - Ban VHTT phường Hà Cầu

Viết bình luận

Xem thêm tin tức